Xuất phát từ thực tế gần đây đã có những trường hợp trẻ em làm theo hướng dẫn trên Youtube tự gây hại cho bản thân nên mình đã dành thời gian soạn rất chi tiết nội dung bài này gồm 6 bước với mong muốn giúp hạn chế tác hại từ Youtube lên các bé.
Bên cạnh đó mình cũng hy vọng các bạn hãy suy nghĩ thật chín chắn, nghiêm túc về việc cho con sử dụng điện thoại hay tivi để xem Youtube giải trí, để cha mẹ có thời gian rảnh làm việc khác bởi vì chính Youtube cũng xác định đây không phải là ứng dụng phù hợp với trẻ dưới 13 tuổi.
Phải nói thật mình là người cực kỳ dị ứng với việc trẻ em dùng điện thoại hay các chương trình tivi
Do vậy ở nhà mình cũng tìm mọi cách hạn chế tối đa thời gian các bé tiếp cận với các thiết bị này.
Nếu ở vào tình thế không thể từ chối thì mình cũng giám sát chặt chẽ và cùng con xem nội dung mình lựa chọn kỹ, giao kèo rõ ràng về thời gian được sử dụng.
Nhưng phải thú thật là để làm được điều đó là vô cùng khó khăn
Có những lúc bé khóc và ăn vạ ghê gớm khi mình cất điện thoại, hay tắt tivi.
Nhưng dần rồi mình cũng tìm ra cách khắc phục nhu cầu xem tivi, hay đòi điện thoại của 2 bé nhà mình
Mình sẽ chia sẻ cách mà mình đã áp dụng thành công với con ở phần sau,
Nao, bây giờ lưu ý này mình xin dành cho những bạn nào không thể từ chối con, hoặc chỉ còn biết dùng chiêu cho trẻ xem điện thoại mới có thể xử lý công việc được
Đây là những cách thức khác nhau tuy nhiên có cùng một mục đích đó là làm sao hạn chế những nội dung xấu, độc trình chiếu trước mắt con của bạn
Theo mình đánh giá thì đây nên là những giải pháp tình thế chứ không nên được xem là cứu cánh cho các bậc cha mẹ , giúp cha mẹ cảm thấy an tâm hơn khi cho con sử dụng ứng dụng vốn dĩ không dành cho lứa tuổi của con.
Cha mẹ cần nhận thức rõ ràng việc cha mẹ bảo vệ con cái là trách nhiệm của chính bạn, chứ không phải là trách nhiệm của bất kỳ công ty hay tập đoàn nào.
Khi cha mẹ có trách nhiệm thì mới mong xây dựng trách nhiệm cho con được
Và mình muốn nhắn nhủ thêm rằng đừng bao giờ tin cậy và phó mặc hoàn toàn sự phát triển, nhận thức, cảm xúc , tiếng cười của con mình vào bất kỳ một lời hứa của các công ty phát hành những ứng dụng giải trí qua các lần cập nhật phiên bản ứng dụng.
Sau đây lần lượt là 6 bước thông minh hạn chế tác hại của youtube với trẻ mà mình muốn chia sẻ đến bạn
Cài Đặt Chế Độ Lọc Nội Dung Hạn Chế Youtube Gây Hại Cho Trẻ
Đầu tiên, có lẽ nhiều người dùng Youtube hiện nay ít khi để ý đến vấn đề có bao nhiêu nội dung không phù hợp với lứa tuổi của con mà các bé vẫn vô tình xem qua khi sử dụng youtube
Bạn có biết là Youtube hiện nay chứa biết bao nhieu nội dung xấu mà con bạn không nên xem và tuyệt đối không được xem không?
Bạn có để ý rằng ở ngay trên Youtube có những nội dung mà chính bạn cũng thậm chí không dám xem lần 2 không?
Điều này khiến Youtube trở thành tác nhân gây hại cho trẻ mà có thể bạn lại đang lơ là bỏ qua nó đấy.
Vậy bạn có thể tưởng tượng việc gì xảy ra nếu con trẻ xem phải những nội dung như thế không?
Tâm lý, nhân cách, đạo đức của trẻ sẽ ảnh hưởng ra sao không?
Hãy nhớ lại cái cảm giác đáng sợ khi chính bạn xem phải 1 video ghê rợn, bạn có bị ám ảnh bởi điều đó chứ?
Con bạn sẽ thế nào nếu rơi vào tình huống ấy?
Chính vì thế ngay sau đây là cách mà bạn sẽ xử lý cái ứng dụng Youtube để nó có thể mang lại những nọi dung tương đối ổn với bé nhà bạn nhé.
Nhưng hãy nhớ là đừng bao giờ tin tưởng tuyệt đối khả năng làm việc của nó nhé
Bây giờ thì bắt đầu thôi
Nếu bạn hay dùng laptop và không thể từ chối con xem youtube trên LAPTOP thì bạn có thể tham khảo cách sau:
Bật hạn chế trên web:
+Bạn truy cập YouTube.com, đăng nhập bằng tài khoản gmail của bạn
+Click vào hình ảnh tài khoản của bạn
+Phía dưới màn hình, mục Chế độ hạn chế (Restricted Mode), bạn bấm vào, chọn Bật (On) rồi bấm Save
Để bé không thể thay đổi cài đặt mà bạn vừa thiết lập, bạn có thể chọn thêm “Khóa chế độ hạn chế trên trình duyệt web” (Lock Restricted Mode on this browser)
Còn nếu các bạn hay sử dụng điện thoại và ngay lập tức các bé sáp lại gần và không thể từ chối được thì cũng luôn có cách để hạn chế việc các bé tiếp cận với những nội dung độc hại
Bật hạn chế trên ứng dụng YouTube cho nền tảng Android/iOS:
+Đăng nhập bằng tài khoản Gmail của bạn trên smartphone/tablet.
+Ở giao diện chính của ứng dụng, bạn bấm biểu tượng 3 dấu chấm (đối với thiết bị Android) hoặc nhấn vào hình ảnh đại diện (đối với thiết bị iOS) rồi chọn Settings > Restricted Mod Filtering > Strict
Vô Hiệu Hóa Tính Năng Gợi Ý Video
Thứ 2 là với những gợi ý vô tận dựa trên những gì đã xem thì mình chắc rằng con bạn có thể xem phải những video mà bạn không hề muốn chúng xuất hiện trước mắt trẻ.
Chính vì thế việc vô hiệu hóa tính năng gợi ý video là rất cần thiết nếu con bạn thường xuyên cầm điện thoại của bạn và lướt Youtube
Phải nói rằng ngày nay việc để trẻ tiếp cận với điện thoại dần trở nên quen thuộc và đôi khi mình tưởng tượng điều đó dường như quá bình thường với nhiều bậc cha mẹ nữa cơ.
Nhưng nếu suy nghĩ cẩn trọng thì các bạn sẽ thấy rằng hành động đó ảnh hưởng đến việc hình thành nhận thức của trẻ rất nhiều.
Phần này mình sẽ hướng dẫn các bạn cách tắt gợi ý video trên điện thoại nhé
Cách tắt thông báo đề xuất video Youtube trên điện thoại được thực hiện như sau:
Bước 1:
Mở ứng dụng YouTube và Click vào dấu ba chấm góc trên bên phải của ứng dụng( tùy giao diện và phân bố cài đặt của từng dòng điện thoại mà bạn có thể bấm vào hình ảnh tài khoản, sau đó sẽ thấy hiện ra phần Cài đặt- settings)
Bước 2:
Để loại bỏ cũng như tắt thông báo đề xuất video Youtube ấn chọn Settings (Cài đặt) >Notifications (Thông báo).
Bước 3:
Tại đây bạn trượt nút kích hoạt Recommended Videos (Video được đề xuất) về chế độ OFF.
Như vậy là bạn có thể thao tác khá tốt trên điện thoại rồi nhỉ
Hy vọng với 2 cách trên bạn đã có thể hạn chế phần nào những video không mong muốn xuất hiện trước mắt con trẻ
Dù sao việc khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi vận động, đọc sách, hay dành thời gian chơi các trò chơi giải trí khác cùng con vẫn luôn là những điều mình khuyến nghị để bạn giúp trẻ có cơ hội kích hoạt tối đa sự hoạt động của não bộ, điều đó thực sự tốt với quá trình phát triển của trẻ
Dùng Ứng Dụng Youtube Kid
Trước những tác hại không mong muốn có thể ảnh hưởng đến trẻ em, Youtube cho ra đời Youtube kid với hy vọng mang đến cho trẻ em những trải nghiệm tốt nhất
Ở Youtube Kid các bạn có thể hẹn giờ để ứng dụng ngưng hoạt động, đây là điểm cộng mà mình đánh giá là hữu ích đối với một ứng dụng dành cho trẻ em
Bên cạnh đó ứng dụng cũng cung cấp thêm chế độ cài đặt mật mã nhằm hạn chế trẻ em tự ý dùng điện thoại của cha mẹ
Tính năng này chỉ hữu dụng khi bé được sử dụng một máy riêng
Còn nếu dùng chung với cha mẹ thì bé vẫn có thể tự bấm vào ứng dụng Youtube thôi
Tuy nhiên không có gì được gọi là an toàn tuyệt đối cả các bạn à.
Hãy xem thử một người mẹ đã vô tình phát hiện ra một đoạn video có chứa nội dung độc hại nằm ẩn trong video dành cho trẻ em và dài chỉ khoảng 10 giây thôi.
“Nhớ nhé mấy nhóc, cắt ngang để có được sự chú ý, cắt dọc nếu muốn ‘đạt kết quả’”, gã vừa nói, vừa mô phỏng hành động dùng dao rạch cổ tay. “Hãy kết liễu cuộc đời mình đi”.
Ôi trời, ai mà tin nổi những lời lẽ đó lại ẩn chứa trong video dành cho trẻ em cơ chứ
Khi xem điều này thì hy vọng các bạn đồng ý với mình rằng chỉ có những bậc làm cha mẹ mới là người duy nhất có trách nhiệm với con của mình.
Phần này là phần mình chia sẻ các kinh nghiệm cá nhân mình đã áp dụng để nhanh chóng làm con phân tâm và dành quyền kiểm soát điện thoại nhanh chóng
Giúp Trẻ Nhận Thức Đúng Về Điện Thoại
Thường xuyên nói chuyện với trẻ về điện thoại, hỏi trẻ, lắng nghe trẻ về nhận thức của trẻ về cái điện thoại.
Đừng bao giờ bạn nghĩ rằng con còn nhỏ sẽ không thể hiểu điều này. Ngược lại đấy
Con trẻ hiểu chúng ta nhiều hơn chúng ta nghĩ
Con mình 3 tuổi và hầu như mình lúc nào cũng dành thời gian nói chuyện với con về những điều mà mình muốn chúng suy nghĩ đúng
Ví dụ mình hỏi con rằng:
- Con có biết cái điện thoại dùng để làm gì không?
- Bố mẹ dùng điện thoại chỉ để nói chuyện công việc không?
- Bố mẹ xử lý công việc xong sẽ chơi cùng con nhé
Hãy dần dần gieo vào đầu trẻ những suy nghĩ thật hữu ích về cái điện thoại và nó chỉ phục vụ cho công việc của cha mẹ thôi, ngoài ra không có tác dụng gì cả.
Gieo vào tâm trí trẻ hàng ngày
Lâu dần trẻ sẽ định hình cai điện thoại chỉ để cha mẹ xử lý công việc và nó không dành cho con trẻ.
Nhưng nhiều bạn sẽ nói rằng con bạn cứ đòi xem, lý do đơn giản vì bạn vẫn dùng điện thoại để xem video và các chương trình giải trí, lướt fb trước mặt con.
Hãy đảm bảo bạn chấp hành nguyên tắc dưới đây.
Tuyệt Đối Đừng Đưa Điện Thoại Ra Trước Mặt Con
Chắc hẳn điều này sẽ làm bạn vô cùng khó chịu vì dường như nó đã trở thành thói quen của bạn mất rồi.
Hãy nhớ rằng nếu muốn con của bạn có một thói quen tốt thì trước hết bạn cũng cần tập cho mình thói quen tốt đã
Hãy kiên quyết với bản thân nhé
Đầu tiên hãy biết sắp xếp điện thoại ở một nơi cao, tránh xa tầm mắt của trẻ.
Khi có điện thoại liên hệ thì hãy khéo léo mang điện thoại cách xa trẻ và nói chuyện, đồng thời quan sát trẻ
Nếu bạn về nhà và không có việc quan trọng bắt buộc phải dùng điện thoại thì tốt nhất hãy để điện thoại ở chế độ rung và dành thời gian nhiều hơn cho con
Mình thường dành thời gian cùng con chơi trò chơi và đọc truyện Ehon?
Bạn có biết truyện Ehon là gì chứ?
Đó được xem là một trong những thức ăn rất tốt cho tâm hồn của trẻ thơ đấy?
Bạn đã biết nhiều về Ehon chưa, nếu chưa thì bạn có thể tìm hiểu thêm trên google nhé.
Hoặc là có tham khảo thêm thông tin từ blog của mình
Phía trên là cách gieo vào suy nghĩ những đứa trẻ khi chúng chưa có cơ hội tiếp xúc nhiều với điện thoại, thế nếu con bạn là một đứa trẻ đã dùng quen điện thoại và dường như đó cũng trở thành một nhu cầu của trẻ rồi thì nên xử lý thế nào nhỉ?
Khéo Léo Ngắt Mạch Xem Điện Thoại Của Trẻ
Với sự phát triển của công nghệ như bây giờ thì việc gì cũng cần có sự chuẩn bị chu đáo và biết cách xử lý khéo léo thì mình tin bạn sẽ thực sự trao cho con cơ hội phát triển tốt thay vào việc sử dụng các thiết bị công nghệ quá đà
Mình sẽ chia sẻ mẹo cực hay tiếp theo dành cho các bạn đang có con hay mè nheo đòi dùng điện thoại.
Hãy lưu số điện thoại của chồng/vợ hay lưu số sim thứ 2(bạn dùng 2 sim ở 2 điện thoại khác nhau) của bạn bằng một cái tên của Xếp chẳng hạn, nếu lưu kèm số điện thoại là một tấm hình của người lạ càng tốt
Trước khi đưa điện thoại cho con hãy nói là bạn đang đợi một cuộc điện thoại rất quan trọng để xử lý công việc
Hãy giao kèo với trẻ là ngay khi có người gọi thì phải đưa cho cha/mẹ ngay nhé
Sau đó bạn chỉ cần căn thời gian cho trẻ xem chương trình mà bé yêu thích từ 10p- 15p rồi bắt đầu dùng số đã lưu với cái tên của Xếp để gọi vào điện thoại mà trẻ đang dùng
Cất cái điện thoại bạn gọi vào một chỗ kín, sau đó đến gần trẻ và đề nghị trẻ đưa điện thoại đang cầm để bạn bàn công việc
Bây giờ thì nhanh chóng cầm lấy điện thoại và đừng quên nói với trẻ con hãy chơi trò chơi hay làm bất cứ thứ gì khác để trẻ quên dần đi cái điện thoại
Vậy là bạn đã chủ động cắt được mạch dùng điện thoại của trẻ một cách khéo léo rồi đấy
Nhớ là đừng để cho trẻ biết điều này đấy
Chia sẻ thêm một chút là việc tập tành những thói quen của trẻ cũng cần phải thật sự khéo léo, vì uốn nắn nên một thói quen cũng cần có thời gian nhé các bạn
Bé Bắp nhà mình trước đây cứ thấy điện thoại là tự động cầm đến đưa cho bố/mẹ đòi mở chương trình và xem
Nhưng ban đầu mình đã nói rằng con cần xin phép bố/mẹ trước khi cầm đồ dùng của người khác, con hãy để lại chỗ cũ và xin bố/mẹ trước đã
Khi bé để điện thoại lại chỗ cũ và nói xin phép thì mới mở cho bé xem
Ở đây mình muốn nhắn nhủ các bạn rằng hãy chủ động suy nghĩ về cách rèn luyện, uốn nắn để con được phát triển trong tầm kiểm soát của cha mẹ
Tránh để ngay ở giai đoạn đầu mà bạn thiếu uốn nắn, trẻ đã định hình những thói quen không tốt rồi sẽ rất khó dạy con đấy
Tạm kết
Trên đây là 6 bước rất hữu ích mà bản thân mình đã áp dụng cho 2 bé nhà mình trong việc hạn chế trẻ dùng điện thoại, rất hy vọng nó hữu ích với bạn.
Tốt nhất là bạn nên tập cho trẻ thói quen đọc sách– đó là thói quen giúp tâm hồn trẻ được nuôi dưỡng bởi những điều tốt đẹp từ con chữ
Nếu bạn có bất kỳ mẹo hay nào thì hãy thoải mái chia sẻ cùng mình và nhiều bạn đọc khác bằng cách comment ngay dưới bài viết này nhé.
Add comment