Có những lúc không khí gia đình và quan hệ giữa vợ chồng con cái thực sự trở nên căng thẳng vì cha mẹ vướng những ngộ nhận về dạy con và rèn con. Bên cạnh đó còn có sự thiếu thống nhất hoặc có thể xuất phát từ việc thiếu kiểm soát cảm xúc nhất thời mà khiến bản thân rơi vào rắc rối không cần thiết.
Mình cứ nghĩ rằng khi đã rõ về quan điểm giáo dục con thì mình sẽ làm tốt nhất vai trò của một người mẹ tuy nhiên nhiều lúc bản thân vẫn mắc phải những ngộ nhận về dạy con và rèn con mà nguyên nhân là do chưa biết quản lý và kiểm soát cảm xúc. Chính cảm xúc đã đẩy bản thân quên đi những điều tưởng chừng là cơ bản.
Để nhắc bản thân và cũng hy vọng giúp bạn- người đang đọc bài viết này rõ ràng hơn, tránh vướng phải những ngộ nhận về điều cần dạy con và điều cần rèn con, quản lý cảm xúc để làm chủ trong mọi tình huống giao tiếp với con. Đảm bảo tiếng cười luôn tràn ngập ngôi nhà của bạn.
1. Bạn và mình đang làm gì với con ?
Buổi tối như bao ngày vẫn diễn ra, mình cùng 2 con lên sân thượng phơi đồ với sự hỗ trợ của chồng. Khi mọi chuyện diễn ra rất suôn sẻ thì Bắp lấy áo và cũng tập phơi đồ.
Có thể thấy rằng con ở 3 tuổi sẽ mong muốn tự làm mọi việc và điều này thật tuyệt vời nếu cha mẹ biết cách khơi gợi và tận dụng tình thế giúp con có cơ hội rèn luyện thêm kỹ năng của bản thân.. Nhưng thật đáng tiệc là những ý nghĩ tốt đẹp ấy lại không diễn ra như mình vừa kể.
Bắp cũng nhìn mẹ rồi giũ áo như người lớn ….nhưng đáp lại hành động đáng yêu của con là một lời trách móc: “ Trời ơi Bắp ơi, con làm dơ hết quần áo rồi kìa , con có để yên cho mẹ làm việc không ?”
Nói rồi sự bực dọc cứ thế tuôn ra….Bắp cụt hứng, mặt xị ra. Mình vẫn tiếp tục phơi đồ cho xong. Chồng mình bắt đầu lên tiếng
Vậy là chuỗi căng thẳng nối đuôi nhau kéo đến
Buổi phơi quần áo kết thúc với một gương mặt giận dỗi của Bắp, vẻ mặt không hài lòng của chồng, rồi một giấc ngủ chập chờn với nhiều suy nghĩ cứ thế lởn vởn trong đầu? Mình sai ở chỗ nào?
Việc bình tâm trở lại sau khi bị cảm xúc dẫn dắt đã giúp mình nhận diện đúng đắn hơn những tình huống cần dạy con và rèn con rất khác nhau. Trước hết cần hiểu sâu hơn về dạy con và rèn con?
2. Thế nào là dạy con, thế nào là rèn con?
Nếu phân tích đủ sâu chúng ta sẽ thấy rằng rèn con là một dạng nâng cao đặc biệt của dạy con, chính điều này làm nhiều người hay lầm lẫn để rồi có những thái độ thái quá đối với con. Ở những tình huống đáng lý ra chỉ cần dạy con thì mình đã khăng khăng phải rèn con và mình tin rằng nhiều mẹ khác có thể cũng đã rơi vào tình thế này
Để mình phân tích sâu hơn cho bạn cùng hiểu, cũng là một cách để mình tự nhìn lại bản thân
Mình không thể nào quên quãng thời gian lớp 1 khi bắt đầu học viết chữ, cô giáo dạy từng nét , từng nét một, cầm tay uốn nắn từng tý để học trò biết cách cầm viết, biết nét chữ, biết con số. Qua đó mình biết những đường nét cơ bản, những con số cơ bản, những khái niệm cơ bản nhất được gọi tên từ đó
Khi đã biết những điều cơ bản thì coi như chúng ta đã được học và, cô giáo cũng được gọi là đã dạy. Nhưng muốn cầm viết cho chắc, nét chữ cho ngay ngắn, rõ ràng thì cần phải thêm cả một quá trình luyện tập về sau.
Chính từ đây bắt đầu hình thành nên khái niệm rèn. Rèn chính là quá trình đưa bản thân tuân theo những quy tắc từ đó thực hiện những điều được dạy một cách liên tục, đều đặn từ ngày này sang ngày khác đến khi mang lại kết quả tốt hơn lúc ban đầu.
Điều quan trọng của người mẹ cũng là cần phải ghi nhớ để không bị nhầm lẫn 2 khái niệm này trong hành trình lớn lên cùng con
Mẹ cần ghi nhớ thật kỹ vì áp dụng đúng thì góp phần giúp cuộc sống gia đình bớt áp lực rất nhiều, bản thân mẹ cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, con thì vui vẻ vì được trải nghiệm cuộc sống xung quanh theo cách của riêng chúng, góp phần làm cho tuổi thơ của con đầy ắp tiếng cười và niềm hân hoan.
Chính bản thân mẹ khi tập ghi nhớ và áp dụng thường xuyên cũng là lúc mẹ đang rèn chính bản thân mẹ thực hành kiến thức nuôi dạy con trẻ.
Bạn nên nhớ rằng chúng ta cũng chính là từ những đứa trẻ mà trưởng thành, tuổi thơ chúng ta cũng đã mắc không biết bao nhiêu lỗi lầm, nhưng nhờ vậy mà trưởng thành, vậy chúng ta cũng đừng tước bỏ những điều ấy của con trẻ.
Hãy mạnh dạn cho bọn trẻ được phép sai với nhận thức non nớt của chúng, qua đó con trẻ nhất định sẽ học được nhiều hơn những điều mà chúng ta răn dạy.
KHÔNG THỂ DẠY MỘT ĐỨA TRẺ BIẾT VỀ ỚT CAY NHƯ THẾ NÀO NẾU KHÔNG ĐỂ TRẺ CẮN MỘT MIẾNG
Có những điều mà mẹ phải chấp nhận để trẻ trải nghiệm, để con lớn lên bằng chính những cảm xúc, những sai lầm của con, từ đó con sẽ hiểu, thấm thía về những lời dạy của mẹ nhiều hơn
Nếu vậy giữa dạy con và rèn con thì nên quan tâm đến điều gì
3. Dạy con hay rèn con quan trọng hơn?
Thực sự khó có thể nói điều nào là quan trọng vì hai điều này ở hai thuộc tính khác nhau. Một cái là mang tính bao quát, một cái thì lại đi sâu hơn
Nếu dạy con cầm muổng để xúc cơm ăn thì hẳn đứa trẻ nào cũng sẽ biết động tác ấy, tuy nhiên thực tế sau khi biết thì trẻ thường ít khi lấy muổng ăn nghiêm túc như người lớn mà có những hành động ngộ nghĩnh khác nhau với chiếc muổng đó
Hay việc dạy con ngồi vào ghế ăn như người lớn cũng là điều bình thường, tuy nhiên cha mẹ muốn con ngồi vào ghế ăn nghiêm túc thì có khi phải mất rất nhiều công sức.
Như vậy có thể thấy con có thể nhận biết hầu hết những gì người lớn dạy nhưng còn việc có thực hiện theo được hay không lại phụ thuộc vào quá trình mẹ rèn con nữa
Mà việc mẹ muốn rèn con có những nếp sinh hoạt tốt cũng lại đòi hỏi ở mẹ những phẩm chất khác nhau: kiên trì, linh hoạt, nhanh nhẹn…
Để việc dạy con biết điều hay đồng thời rèn con duy trì những điều được dạy một cách trật tự, có quy củ đòi hỏi mẹ cần nhận diện thật kỹ khía cạnh nào nên tập trung rèn đến nơi đến chốn khía cạnh nào chỉ cần dạy con thôi, việc còn lại hãy để trẻ tự trải nghiệm.
Mình sẽ làm một checklist những điều mà bản thân đang áp dụng và thấy khá hiệu quả về việc dạy con và rèn con, mình sẽ chia sẻ trong một bài viết khác đến các bạn
Nói vậy là cha mẹ cần linh hoạt, tỉnh táo để nhận diện điều nào là nên dạy và điều nào là nên rèn trẻ, nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, chúng ta cũng cần quan tâm đến việc con trẻ thích điều gì chứ?
4. Trẻ thích được dạy hay rèn?
Sau khi có con mình mới có dịp quan sát kỹ những hành động, những nét tính cách của hai em bé nhà mình, cộng với việc ghi chú thường xuyên những thói quen của con, mình thấy rằng con thường thích như người lớn
Con cũng thích được dạy dỗ một cách nhẹ nhàng với một tâm trạng vui vẻ. Hình như điều này cũng giống như chính mẹ của chúng. À, hình như điều này đúng với rất nhiều người lớn khác thì phải, hihi
Điều này cho thấy rằng con trẻ cũng giống như bất kỳ một cá thể nào đã trải nghiệm cuộc sống đủ lâu, tất cả đều thích sự dạy dỗ nhẹ nhàng và tình cảm. Và còn một điều đặc biệt nữa
Nếu áp dụng khéo léo trong rèn con, nếu mẹ biết tiết chế cảm xúc và đưa ra những cách rèn con thật nhẹ nhàng thì con lại cũng rất nghe lời đấy nhé. Tất nhiên không phải đứa trẻ nào cũng giống nhau, nhưng mình đã rèn cho Bắp và Bon biết ngồi yên để ăn trên ghế ngay từ thời kỳ ăn dặm
Mình đã không phải trải qua giai đoạn khổ sở chạy theo năn nỉ con ăn từng miếng một trong khi rất nhiều mẹ ở giai đoạn này chật vật về điều đó
Bên cạnh đó mình cũng thường xuyên tập cho con những thói quen tốt như tự gấp cất quần áo từ khi con 3 tuổi, tự xúc ăn, tự ngủ một mình, rèn con thích đọc sách và tránh xa điện thoại
Để có thể rèn con theo ý mẹ phải nói là cũng hết sức công phu, mình sẽ dần chia sẻ cùng bạn qua những bài viết khác
Qua những điều mình chia sẻ trong bài này, mình hy vọng rằng các mẹ đã hiểu hơn về những ngộ nhận về dạy con và rèn con rồi nhé. Có những điều mà con chỉ cần mẹ dạy, việc còn lại mẹ hãy để con tự trải nghiệm nếu con làm sai. Bên cạnh đó mẹ cần khéo léo để có thể rèn con theo những thói quen tốt mà mẹ mong muốn, và mẹ hãy nhớ là cần thật nhẹ nhàng, linh hoạt khi rèn con nếu không muốn vướng phải phản kháng đôi khi khá mạnh từ con mình đấy. Điều đó nếu áp dụng thành công thì mẹ sẽ tận hưởng khoảng thời gian bên con với niềm vui trọn vẹn, ngược lại nếu quá cứng nhắc thì có thể khiến mẹ gánh lấy áp lực dài ngày
Add comment