5 Mối Lo Hàng Đầu Khi Bé Đi Nhà Trẻ

combo sách ehon

Qua quá trình làm việc đón nhận bé đi nhà trẻ , mình cũng có dịp nắm bắt được nhiều tâm sự của các mẹ có con ở giai đoạn đầu làm quen đến lớp.

Một thực tế cho thấy bất kỳ cha mẹ nào cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con.

Khi cuộc sống vận hành theo đúng quy luật của nó, cũng là lúc cha mẹ tập cho con quen dần với cuộc sống xung quanh.

Khi ở giai đoạn trẻ đến trường cũng là lúc bạn- những bậc làm cha mẹ xuất hiện vô vàn mối lo

Đôi lúc nó chiếm hết tâm trí, có khi khiến bạn căng thẳng đến mức không thể tập trung cho công việc mưu sinh.

Lo lắng

Chính vì lẽ đó mà bài viết này mình muốn làm rõ những vấn đề bạn đang băn khoăn

Đồng thời gợi ý vài hướng giải quyết hy vọng bạn có thể vận dụng linh hoạt cho trường hợp của mình.

Vậy những mối lo nào thường xuất hiện trong đầu bạn khi bạn muốn gửi trẻ đến trường.

Chúng ta sẽ đi vào 5 vấn đề được quan tâm nhiều nhất.

Bé đi nhà trẻ sẽ khóc nhiều thế nào?

Vì sao bé khóc nhiều?

Đây chắc chắn sẽ là lo lắng nhẹ nhàng nhất đấy

Điều mà hầu hết ông bố bà mẹ nào lần đầu tiên đưa bé đi nhà trẻ cũng sẽ nghĩ tới.

Chưa cần nói nhiều.

Chắc chắn các bạn khi đặt vấn đề con trẻ sẽ khóc nhiều ra sao khi lần đầu tiên xa mẹ.

Bé khóc nhiều khi đi nhà trẻ

Đó cũng là hành động tất yếu khi bé tạm xa vòng tay mẹ để tiếp xúc với cô giáo, bạn bè cùng trang lứa, những người mà bé chưa bao giờ gặp gỡ trước đây.

Điều này hẳn bạn sẽ hình dung ra đúng không?

Tất nhiên không phải bé nào cũng khóc dai dẳng, cũng có những bé hòa nhập nhanh với môi trường

Nhưng có bé lại khá nhút nhát và khiến cha mẹ mất nhiều thời gian để có thể tách ra và đi khỏi.

Nhiều trường hợp cha mẹ thấy con khóc nhiều quá không đành lòng nên lại bế con về đấy

Điều này lại khác xa so với cách dạy con của người Nhật giúp con biết tự lập ngay từ nhỏ mà mình sẽ đề cập ở một bài viết khác.

Để có thể chuẩn bị cho bé đi nhà trẻ và không khóc nhiều khi bắt đầu làm quen với môi trường này thì bạn cần có những bước chuẩn bị thật kỹ

Vậy mới mong con có thể hòa nhập nhanh chóng môi trường học đường.

Giúp con dễ thích nghi khi đi học và bớt khóc

Cách đơn giản nhưng rất hợp lý mà mình đã gợi ý cho khá nhiều bậc cha mẹ cũng là bạn bè, người quen đã áp dụng trước khi cho trẻ nhập học .

Đó là bạn hoặc người nhà nên tạo điều kiện cho bé làm quen với môi trường nhà trẻ trước khi nhập học chính thức.

Trẻ làm quen khi đi nhà trẻ

Tốt nhất là khi đã xác định được thời điểm gửi trẻ thì trước đó 1 tháng nên đưa trẻ đến trường vào những giờ ra chơi để trẻ thấy các bạn cùng trang lứa vui đùa, điều này sẽ tạo niềm vui thích cho trẻ.

Khi cho bé thấy trẻ khác vui chơi với những đồ chơi như cầu tuột, đu quay.chơi bóng…nếu bé tỏ ra hào hứng thì đó là tín hiệu tốt vì bạn có thể để bé làm quen với môi trường mà bé sẽ học.

Cách đưa trẻ đến trường trước khi nhập học chính thức sẽ là một cách hữu hiệu đấy

Việc đó giúp trẻ làm quen với cảnh vật, với những trò chơi, thấy nhiều bạn cùng trang lứa chơi đùa cũng sẽ lôi kéo, kích thích trẻ muốn tham gia.

Một điều cần nói thêm đó là tốt nhất bạn cũng nên thử sắp xếp thời gian cho chính mình và trẻ bằng cách hãy cố thu xếp việc gia đình, đưa trẻ đến trường đúng thời gian mà trẻ khác tới lớp.

Thời gian 1 tháng sẽ giúp trẻ quen với nhịp sinh học và có thể hòa nhập khi đi học chính thức .

Kinh nghiệm của mình khi tiếp nhận những bé mới nhập học cho thấy đại đa số các bé sẽ lạ lẫm và khóc cho xem

Phải một thời gian ngắn sau bé mới thích nghi với môi trường, do sự gần gũi, vỗ về của các cô.

Thời gian đầu khi tiếp nhận bé mới mình cũng chủ yếu vỗ về an ủi bé, giúp bé đỡ sợ và nhanh hòa nhập cùng các bạn.

Mặc dù có những bé phải mất cả tháng mới có thể quen với môi trường học tập nhưng mình tin là bé sẽ nhận được sự gần gũi ,ân cần của cô giáo thôi.

Cô giáo làm quen khi bé đi nhà trẻ

Như vậy là bạn có thể thấy cách tập cho trẻ làm quen với môi trường trước khi đi học rồi đấy, nếu bạn có những cách linh hoạt hơn hãy chia sẻ cùng mọi người nhé.

Điều thứ 2 mà bạn không thể bỏ qua là khi thay đổi môi trường chắc chắn vấn đề sức khỏe của trẻ cũng rất đáng để bạn lưu tâm đấy.

Có thể phù hợp với bạn: Khi con vòi vĩnh, ăn vạ nên thế nào?

Sức khỏe bé bị ảnh hưởng nhiều đến đâu?

Do trẻ khi ở nhà được cha mẹ, ông bà chăm sóc kỹ lưỡng, nhưng khi bé đến trường thì bắt đầu có khoảng thời gian tự do hơn, trẻ dễ tiếp xúc với những tác nhân gây bệnh.

Trẻ bị ốm

Khi trẻ bị những bệnh cảm cúm thông thường, nếu không quá nặng thì bạn cứ để trẻ đi học bình thường rồi đưa thuốc nhờ cô cho bé uống

Điều này giúp trẻ rèn luyện bản thân thích nghi với sự khó khăn khi không có cha mẹ cạnh bên.

Nhưng đối với những bệnh truyền nhiễm thì cha mẹ nhất định phải để trẻ nghỉ ở nhà và chăm sóc cho đến khi khỏi bệnh rồi mới để trẻ đi học tiếp.

Nhiều trẻ sau khi ở nhà trị bệnh lại quay sang ngại đi học, đến lúc này thì bạn cần kiên quyết với trẻ để có thể giúp bé đi nhà trẻ trở lại.

Khi trẻ bắt đầu đi học sẽ rất dễ mắc bệnh do những thay đổi về mặt tâm lý

Bạn nên quan tâm nhiều hơn đến trẻ trong giai đoạn này để sớm phát hiện những bất thường ở trẻ để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Phù hợp với bạn: Nên cho con đi học mấy tuổi là tốt nhất

Thời gian sinh hoạt thay đổi khi bé đi nhà trẻ.

Khi trẻ bắt đầu đi học thì cũng là lúc trẻ thay đổi những thói quen sinh hoạt hằng ngày, cần đi học đúng giờ, đi ngủ đúng giấc, ăn uống cũng theo giờ giấc quy định.

Chính vì lý do trên mà khá nhiều trẻ mất thời gian để thích nghi nên cũng gây khó khăn cho cha mẹ trong việc chăm sóc con cái.

Trẻ khóc khi đi nhà trẻ

Tốt nhất bạn nên tạo cho trẻ  sinh hoạt theo lịch của trường trước để giúp trẻ ít nhiều có thể quen với hoạt động này.

Kinh nghiệm của mình khi tiếp nhận những bé đi nhà trẻ cho thấy hầu hết đến 95% những bé hay khóc và khó khăn trong hòa nhập môi trường lớp học

Nguyên nhân là do cha mẹ đã không chuẩn bị tốt giúp bé sinh hoạt theo giờ giấc giống như ở trường.

Điều này gây cho bé sự lạ lẫm, vì bé rất nhạy cảm khi có những thay đổi ở môi trường xung quanh.

Hay nhất đó là bạn hãy mượn lịch sinh hoạt của trường mà bạn dự định cho trẻ theo học, sau đó tập cho trẻ trước 1 tháng để giúp trẻ thích nghi dần.

Khi đi học trẻ sẽ không quá lạ lẫm với giờ giấc, cũng như sinh hoạt ở trường, cha mẹ sẽ đỡ mệt mỏi hơn.

Sáng bạn có thể đánh thức trẻ dậy ,sau đó cho bé ăn và thay quần áo, rồi hãy đưa trẻ đến trường để quan sát các bạn vui chơi trước khi vào lớp.

Vì trẻ rất nhạy cảm với những thay đổi nên bạn phải kiên trì để giúp trẻ hình thành thói quen tốt, chính những điều này sẽ giúp bạn giảm áp lực đi rất nhiều.

Bạn sẽ thích: Chuyển hóa con với 30 phút mỗi tối

Vệ sinh cá nhân có được đảm bảo?

Vệ sinh cá nhân khi bé đi nhà trẻ cũng là vấn đề được khá nhiều cha mẹ quan tâm

Bé đi toilet

Cũng dễ hiểu vì con bạn còn khá nhỏ để có thể tự lo vệ sinh cá nhân, chính vì vậy mà luôn cần sự quan tâm của cô giáo.

Đa phần cô giáo chăm sóc cho trẻ mặc dù nói là có kiến thức chuyên môn nhưng có nhiều việc đòi hỏi khi thực hiện cần có tình cảm nhiều hơn .

Chính vì thế mà cách hay nhất để giúp trẻ biết cách giữ vệ sinh cho chính bản thân mình đó là bạn cần tập cho trẻ có thói quen đi vệ sinh chủ động.

Bé đi toilet chủ động

Sợ nhất là bé bị vấn đề như táo bón, tiêu chảy

Đây cũng là điều mà mình hay trao đổi với phụ huynh học sinh để giúp bé làm quen với vệ sinh cá nhân chủ động trước khi đưa bé đi nhà trẻ.

Bạn hoàn toàn có thể tập điều này cho trẻ, một phần giúp cô giáo giảm bớt gánh nặng, một phần tập cho trẻ thói quen tự lập từ sớm.

Gợi ý cho bạn đó là hãy tập để trẻ đi vệ sinh vào sáng sớm và buổi tối ở nhà.

Vì khi ở nhà bạn sẽ giữ vệ sinh cho trẻ tốt nhất.

Hãy mua một cái bô nhỏ phù hợp với trẻ, sáng thức dậy hãy để trẻ ngồi vào đó theo thời gian lâu dần.

Lúc đầu thì cho ngồi 1 phút rồi đứng dậy, sau mấy hôm ngồi 1 phút thì bạn cho trẻ ngồi lên 2 phút, cứ thế tăng dần cho đến khi trẻ đi vệ sinh được.

Do cơ thể sẽ có những phản xạ đáp trả lại những hành động được tạo ra nên bạn yên tâm là bé sẽ có thể đi tiêu hoàn toàn chủ động.

Có thể con bạn sẽ chưa thể quen với việc đi vệ sinh lệch giờ thế này và bạn sẽ thấy trẻ đi vệ sinh một ngày khá nhiều lần, nhưng bất cứ hành động nào cũng sẽ trở thành phản xạ, hãy kiên trì vì chính thói quen tốt của con bạn cũng như vệ sinh cá nhân của bé.

Khi bạn đã tập thành công cho trẻ cách đi vệ sinh chủ động thì cũng là bạn đã góp phần giữ gìn vệ sinh cho trẻ khi đến lớp.

Hãy nhớ là đừng bao giờ phụ thuộc việc giữ vệ sinh cho con vào cô giáo.

Cô giáo sẽ chỉ làm tốt nhất công việc chăm trẻ khi nhận được sự hợp tác cũng như hỗ trợ từ cha mẹ.

Trường học và cô giáo có chất lượng không?

Giáo viên có tốt không

Khi nói đến vấn đề bé đi nhà trẻ thì hầu như tuyệt đối những bậc cha mẹ sẽ phải tìm hiểu xem liệu gửi bé đi học trường này có tốt không? có bị tai tiếng gì không ? cô giáo chăm trẻ có đảm bảo…?

Một loạt những câu hỏi liên quan khi các bạn bắt đầu suy nghĩ đến việc gửi bé đi học .

Không cần phải nói nhiều thì các bạn cũng sẽ tự cân nhắc được việc cần thiết khi chọn trường để gửi trẻ  tuy nhiên vì hiện nay có khá nhiều trường hợp cô bảo mẫu bạo hành trẻ, cơ sở giáo dục không đảm bảo chất lượng nên làm xấu đi hình ảnh người cô giáo mầm non.

Chính vì vậy mình đã để nôi dung này sau cùng để có thời gian trao đổi nhiều thông tin hơn với các bạn- những bậc cha mẹ còn nhiều băn khoăn khi có bé đi nhà trẻ.

Khi mình bắt đầu làm công tác giáo dục trẻ thì thời gian đầu cũng khá mệt, trẻ con như những thiên thần nhỏ trước mỗi lời cô nhắc nhở cứ tròn mắt ra và lắng nghe, nhiều khi nghe nhưng lại chưa hiểu phải thực hiện thế nào cho đúng.

Cô giáo cũng sẽ rất vất vả mới có thể tập cho bé từng chút một, mọi hành động của trẻ đều được lưu tâm đến, vì như vậy mới có thể đảm bảo an toàn cho trẻ .

Cũng chính vì khá nhiều việc cần đảm bảo nào là an toàn cho trẻ, vệ sinh ăn uống, vui chơi…tất tần tật đều cần các cô tập trung vì chỉ lơ đãng chút thôi là trẻ đã có thể tiếp xúc với những nhân tố gây nguy hiểm cho trẻ rồi, nên các cô hầu như lúc nào cũng cảm thấy khá mệt mỏi.

Bạn thấy đấy, nếu nói người giáo viên nào có nhiều tình cảm nhất với học trò thì mình có thể tự tin nói với bạn rằng đó sẽ là cô giáo mầm non.

Chỉ những cô giáo dành nhiều tình cảm nhất cho học trò mới có thể giúp trẻ mọi việc mà trẻ còn bỡ ngỡ.

Khi bạn có bé đi nhà trẻ thì từ việc ăn uống thế nào, ngủ nghỉ ra sao, vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, vui chơi cùng trẻ… cô giáo mầm non làm mọi điều đó cho con của bạn.

Nếu không phải người yêu trẻ thì sẽ không bao giờ có thể làm những việc đó một cách tốt nhất.

Cũng chính vì thiếu đi những tình cảm yêu thương trẻ nên mới xuất hiện những trường hợp bạo hành trẻ ở những cơ sở giáo dục kém “chất lượng”  .

Từ “chất lượng” mình đánh giá nó không dựa vào giấy tờ, bởi việc hợp pháp hóa để bạn có một cơ sở kinh doanh giáo dục như vậy ở thời điểm hiện tại là không quá khó.

Những nơi này thực sự thiếu ” chất lượng” đó là nguồn nhân lực chất lượng, cái tâm chất lượng.

Cơ sở vật chất chất lượng sẽ không thể quyết định hoàn toàn việc con bạn có được nuôi dạy đảm bảo hay không, nó chỉ giúp bạn dễ dàng đưa ra quyết định ban đầu nhanh chóng hơn về việc sẽ gửi con vào địa điểm này.

Dù có xảy ra nhiều trường hợp bạo hành trẻ em thì việc bạn có nhu cầu gửi bé đi nhà trẻ để có thể có thời gian làm việc tăng thu nhập cho gia đình là một nhu cầu tất yếu.

Và có nói thế nào đi chăng nữa thì những sự việc gây ảnh hưởng đến hình ảnh của cô giáo mầm non vẫn luôn hiển hiện ở đó và nhắc nhở bạn hãy cẩn thận lựa chọn thật kỹ cơ sở giáo dục mà trẻ sẽ học.

Mình có thể nói với bạn rằng bất cứ cô giáo mầm non nào được đào tạo bài bản cũng sẽ luôn tràn ngập tình yêu thương con trẻ.

Nếu thực sự công việc không thể đảm bảo cuộc sống thì có thể họ sẽ thay đổi môi trường mà hiếm khi có những hành động bạo hành trẻ nghiêm trọng như những sự việc đã xảy ra.

Nói đến đây chắc bạn cũng hiểu thêm phần nào những công việc mà hằng ngày một giáo viên mầm non sẽ phải làm.

Bạn cứ tưởng tượng bạn chăm sóc 1 đứa con đã mệt rồi, vậy người giáo viên phải chăm sóc cho 10 đứa trẻ, thậm chí còn nhiều hơn thì cảm giác sẽ như thế nào.

Ấy vậy mà mức thu nhập của giáo viên mầm non hiện nay vẫn rất thấp, nhiều nơi lĩnh lương xong vẫn không đủ trang trải cuộc sống bản thân.

Mình tin là khi bạn thấu hiểu được việc mà những giáo viên làm hằng ngày, bạn chia sẻ những điều đó với họ, mình tin con bạn cũng sẽ được chăm sóc cẩn trọng hơn bình thường. Điều đó tùy thuộc vào hiểu biết của chính các bạn.

Lời kết

Qua quá trình làm việc ở trường đã giúp mình có những cái nhìn chi tiết hơn cả những vấn đề mà trẻ gặp ở trường cũng như những nhọc nhằn mà các bậc cha mẹ, cô giáo mầm non phải đối mặt.

Mình mong rằng các bạn đang có bé đi nhà trẻ hãy lường trước những khó khăn, xem xét những gợi ý hỗ trợ bạn giúp trẻ nhanh chóng thích nghi môi trường học tập .

Hy vọng bài viết này ít nhiều chia sẻ thông tin giúp bạn hiểu và vượt qua những ngày tháng khủng hoảng.

Nếu bạn có bất kỳ kinh nghiệm cá nhân nào mà bạn cảm thấy hay thì mong bạn chia sẻ thêm để nhiều bậc cha mẹ khác cùng học hỏi nhé.Chúc cả nhà luôn vui, khỏe.

Add comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

5 Mối Lo Hàng Đầu Khi Bé Đi Nhà Trẻ

0